Vì sao Việt Nam chọn 20/11 làm ngày hiến chương Nhà giáo?

Tháng 7/1946 Liên Hiệp Quốc Tế các công đoàn Giáo Dục được thành lập (Fesdesration International Syndicat de l"enseignement) viết tắt là "FISE", trụ sở của FISE đặt tại Paris sau chuyển sang Viên, rồi sang Praha, nay tại Beclin. Kể từ tháng 7/1953 Công đoàn Giáo dục Việt Nam gia nhập tổ chức giáo dục quốc tế này.

Năm 1949, tại Hội nghị Vacsava, FISE xây dựng bản Hiến chương các nhà giáo, trong đó có quy định nhiều điều khoản bảo vệ quyền lợi chính đáng của người giáo viên, thúc đẩy một nền giáo dục dân chủ, tiến bộ chống lại những quan niệm phản khoa học của nền giáo dục phong kiến, và đặc biệt coi trọng tính nhân văn của nghề dạy học và phương pháp dạy học trên thế giới...

Từ ngày 26 đến ngày 30/5/1957 tại thủ đô Vacsava, Hội nghị quốc tế các tổ chức của nhà giáo lần thứ 2, có 57 nước tham gia, đại diện cho 10,5 triệu giáo viên toàn thế giới đã quyết định lấy ngày: 20/11 hàng năm làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo".

Ở Việt Nam, ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta, những năm sau đó còn được tổ chức ở các vùng giải phóng ở miền Nam. Năm 1975 đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước, dần dần trở thành ngày của Nhà giáo Việt Nam.
Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại Hội trương Ba Đình, Hà Nội. Và kể từ năm này, ngày hội nhà giáo Việt Nam có tên gọi riêng là Ngày Nhà giáo Việt Nam.