Thư viện không bị lãng quên
Ở thời đại công nghệ thông tin len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống, với một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh trong tay, một người dường như có thể chạm vào cả thế giới với lượng tri thức khổng lồ. Khái niệm “bạn đọc điện tử” càng trở nên quen thuộc hơn. Liệu thói quen đến thư viện có bị lãng quên?

Một góc thư viện thuộc Đại học Middlebury.

Kênh tra cứu thông tin hữu ích

Người Mỹ được biết đến là những người chuộng công nghệ nhất thế giới. Khảo sát mới đây của hãng Nielsen với 20.000 người được chọn ngẫu nhiên cho thấy 74% người trong độ tuổi từ 25 đến 34 sở hữu điện thoại thông minh. Thế nhưng, kết quả khảo sát khá bất ngờ từ dự án Internet và cuộc sống của người Mỹ do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) tiến hành chỉ ra đến 60% người Mỹ trong độ tuổi 16-19 vẫn thường xuyên đến thư viện để tra cứu thông tin, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Cụ thể, họ đến để mượn các bản sách in, sách nói và sách điện tử, tạp chí, báo… Kết quả này đi ngược lại với suy nghĩ độc giả trẻ ngày nay đã quay lưng với thư viện và sách in, không còn coi đây là nguồn tư liệu ưu tiên nữa. Kathryn Zickuhr, chuyên viên phân tích của dự án trên cho biết: “Rất nhiều người nghĩ rằng người trẻ không còn hứng thú đọc nên chẳng buồn đến thư viện. Thay vào đó, họ tìm mọi thứ trên Google. Nhưng không hẳn vậy”.

Trung tâm nghiên cứu Pew đã tìm hiểu về cách mà người dân Mỹ sử dụng thư viện trong hơn hai năm qua. Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ của quỹ Bill và Melinda. Một phần của dự án trên là phỏng vấn qua điện thoại về thói quen đọc báo, tạp chí. Kết quả 40% người Mỹ dưới 30 tuổi đọc báo trong khi tỷ lệ này ở người trên 30 tuổi là 62%. 71% số người dưới 30 tuổi không đọc báo cập nhật thông tin qua các thiết bị di động. Về tạp chí, 42% người dưới 30 tuổi thường xuyên đọc tạp chí trong khi tỷ lệ người trên 30 tuổi đọc tạp chí là 50%.

Sức hấp dẫn của thư viện

Thư viện từ lâu đã là biểu tượng văn hóa của người Mỹ, không chỉ là nơi trau dồi kiến thức mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cho mọi đối tượng, ở các độ tuổi khác nhau. Ở Mỹ có bốn loại thư viện tiêu biểu: thư viện Quốc hội Mỹ, thư viện địa phương, thư viện của các đại học và thư viện Tổng thống Mỹ. Trong đó, thư viện địa phương và thư viện của các đại học là phổ biến nhất. Ở các thư viện địa phương, hầu như lúc nào cũng có đông người đến đọc sách báo, sử dụng máy tính, lên Internet hay mượn sách, đĩa CD, DVD… Nhiều thư viện được trang bị máy đăng ký mượn, trả sách tự động, giúp mọi thủ tục được thực hiện đơn giản, mau lẹ. Trong khi đó, ở các thư viện đại học, sách chuyên sâu về nhiều lĩnh vực luôn được bổ sung liên tục để phục vụ giảng viên, sinh viên của trường và đặc biệt là phục vụ cả những ai quan tâm.

Một trong những thư viện được nhiều người Mỹ yêu thích là thư viện của Đại học Middlebury nằm ở Middlebury, Vermont. Đây là thư viện hoành tráng và lớn nhất nước Mỹ về kiến trúc, nhưng trên hết đây là thư viện lý tưởng về chất lượng phục vụ, đã được hầu hết người từng sử dụng qua xác nhận. Tại đây, bạn có thể mua sách với ưu đãi giảm 20% giá bìa, được mượn cả laptop. Thư viện có những không gian giải trí với một số trò chơi vận động giúp bạn thư giãn sau thời gian tập trung đọc căng thẳng.

Như Quỳnh
Theo SGGP